Ấn Độ phản đối tàu hải quân Mỹ đi qua vùng đặc quyền kinh tế nước này khi chưa được phép, đánh dấu mâu thuẫn hiếm hoi giữa hai nước.
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ hôm 7/4 ra thông cáo nói rằng tàu SS John Paul Jones đã “thực hiện các quyền và tự do hàng hải” trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Ấn Độ, phù hợp với luật pháp quốc tế khi đi cách đảo Lakshadweep khoảng 241 km về phía tây.
Tuy nhiên, Ấn Độ lên tiếng phản đối, cho rằng các quy tắc của Liên Hợp Quốc không cho phép hành động đi qua như vậy mà không có sự đồng ý.
“Lập trường của chính phủ Ấn Độ dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển nêu rõ rằng các nước khác không được phép tập trận hay diễn tập, đặc biệt những hoạt động liên quan vũ khí hoặc chất nổ, trong EEZ và thềm lục địa mà không có sự đồng ý của quốc gia ven biển này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói ngày 9/4.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ thêm rằng quân đội nước này đã giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu John Paul Jones, khi nó di chuyển từ vịnh Ba Tư tới eo biển Malacca.
Lần gần nhất Hải quân Mỹ thực hiện “tự do hàng hải” khi đi qua vùng biển Ấn Độ mà không có sự cho phép là vào năm 2019, theo báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tranh cãi giữa Ấn Độ và Mỹ xảy ra khi quan hệ Washington và New Delhi đang trên đà phát triển và được củng cố thông qua liên minh Bộ Tứ, gồm cả Nhật Bản và Australia. Liên minh này được xem như bức tường thành chống lại Trung Quốc, quốc gia ngày càng gia tăng sức mạnh cả về thương mại và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tháng 11 năm ngoái, các nước đồng minh này đã tổ chức tập trận hải quân chiến lược ở vịnh Bengal, bao gồm tập trận chống ngầm và phòng không.
Thanh Tâm (Theo AFP, Reuters)
“Esploratore. Appassionato di bacon. Social mediaholic. Introverso. Gamer. Studente esasperatamente umile.”